Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Chiến lược giao dịch với Price Action - Hiểu về sự tương tác giữa 3 nhân tố: Price – Volume – Spread.

Đã nhắc đến price Action hay VSA thì không thể nào không nhắc tới 3 nhân tố trên, có nhiều sách báo họ thường ví von nghe rất kêu như Volume là chìa khóa của sự thật, giá là kim chỉ nam của cung cầu,…… Nhưng “đời không đẹp như mơ”, thực tế thì ai cũng biết những năm qua từ khi thị trường chứng khoán sinh ra cộng với đó là những rảo cản giao dịch như biên độ, T+,… đã làm cho toàn bộ lý thuyết này dường như chỉ đúng một phần ở Việt Nam. Chính vì thế khi áp dụng phân tích 3 nhân tố trên vào Việt Nam chúng ta phải linh động chỉnh sửa lại những lý thuyết một chút để phù hợp hơn với Việt Nam của chúng ta, bài viết này tôi sẽ vừa nêu ra lý thuyết cổ điển vừa đưa ra quan điểm khắc phục những điểm yếu trong lý thuyết đó ở Việt Nam, có thể quan điểm của tôi đôi lúc chưa phù hơp hoặc thiếu sót, lúc ấy mong cả nhà bổ xung để chúng ta hoàn thiện hơn.

Chiến lược giao dịch với Price Action


Quay lại với 3 nhân tố, thì quan điểm của tôi về 3 nhân tố trên tại thị trường chứng khoán Việt Nam là như sau:
- - Price (O-H-L-C): Nó cho tôi biết ý đồ của những “tay to” đối với cổ phiếu.
- - Volume: Nó cho tôi biết hành động của các nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu.
- - Spread (độ biến động): Nó cho tôi biết trạng thái hiện tại của Hưng phấn và Sợ hãi.
Như vậy nếu kết hợp được 3 nhân tố trên thì tôi có thể biết được: Ý đồ của nhà cái, hành động của các thành viên trong bàn và tâm lý của họ là thế nào. Biết được những cái này thì tâm tôi sẽ đủ “tịnh” để tránh được những cạm bẫy từ sự ham muốn và sợ hãi mà không một Indicator hay System chạy theo giá nào có thể phản ảnh cho tôi.

4 quá trình của một cổ phiếu.
Con người sinh ra thì cũng có quy luật: Sinh – Lão – Bệnh – Tư, thiên nhiên cũng tuân theo quy luật: Xuân – Hạ - Thu – Đông, nền kinh tế cũng không tránh khỏi việc Phục Hồi – Tăng Trưởng – Bão Hòa – Suy Thoái, mọi thứ đều tuần hoàn theo quy luật của vũ trụ. Chứng khoán cũng không ngoại lệ, tất cả đều tuân theo quy luật Tích Lũy – Tăng Trưởng – Phân Phối – Suy Giảm, không kể phá sản J! Có nhiều định nghĩa khác nhau về 4 giai đoạn trên, nhưng tôi thì không theo một thể thống gì cả, tôi bám theo định nghĩa của riêng mình.

Giai đoạn tích lũy: Thường thì một cổ phiếu không thể đang giảm mà tăng cái vèo được, nó cần có những giai đoạn tích lũy, trong giai đoạn này giá sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ với khối lượng sụt giảm mạnh. Đây là giai đoạn mà người bán cũng đã bán gần hết, số còn lại thì lỗ quá nên “đầu tư giá trị” luôn nữa và người mua cũng không thấy hứng thú, giá nó cứ đứng im, thỉnh thoảng đung đưa vài lệnh lô lớn. Giai đoạn này bạn sẽ nhận thấy có từ 3-5 cây nến upBar, high Spread với Volume đột biến dãn cách nhau, ý đồ của tay to lộ rõ ở những chỗ thế này.

Giai đoạn phân phối: Tương tự như giai đoạn giảm, giai đoạn tăng giá của cổ phiếu cũng phải kết thúc bằng 1 thời kỳ phân phối trước đó. Phân phối là khi bạn nhìn thấy những cây Upbar, high spread với khối lượng trung bình và những cây Downbar, high spread với khối lượng lớn. Giai đoạn này bạn cũng sẽ thấy có từ 3-5 cây nến Downbar, high Spread với Volume đột biến dãn cách nhau, đây là những điều bạn phải chú ý.

Còn 2 giai đoạn tăng giá và giảm giá thì các bạn cũng biết rồi đấy, theo lý thuyết thì khối lượng đi cùng giá nghĩa là khối lượng củng cố cho giá, nghĩa là sao? Nghĩa là khi giá tăng khối lượng tăng thì đà tăng được củng cố, khi giá tăng khối lượng giảm nghĩa là đà tăng đang yếu dần,….. tương tự với cây nến giảm. Điều này không hoàn toàn đúng, đặc biệt với Việt Nam khi biên độ trần sàn làm giới hạn việc mua bán, nhiều lúc giá tăng khối lượng giảm là tốt, và giá tăng khối lượng tăng là xấu,…. Tôi nghĩ người đưa ra cái lý thuyết này không sai nhưng thiếu, thiếu vì không đưa thêm Spread vào, nếu bạn đưa Spread vào thì bạn sẽ thấy được toàn bộ bản chất của vấn đề.

Theo lý thuyết thuần nhất VSA thì Spread – Price - Volume sẽ kết hợp để tạo thành những loại nến sau (Cái này tôi lấy từ một bài dịch của một người bạn tôi bên SRSC)
- No Supply: Là 1 Bar với biến động giá hẹp, đóng cửa ở nửa dưới kèm theo khối lượng khớp lệnh thấp. Thể hiện nguồn cung cổ phiếu đang cạn kiệt, đây là bước quan trọng trước khi MMs-BBs chuyển từ giai đoạn gom cổ phiếu sang giai đoạn đẩy giá.
- Test For Supply: Khi MMs-BBs đã tích lũy đủ số cổ phiếu để sẵn sàng cho việc đẩy giá họ cần phải kiểm tra lượng cung cổ phiếu đó. Nếu nhận thấy lượng cung vẫn còn lớn họ sẽ tiếp tục để cổ phiếu đó tích lũy thêm một thời gian nữa sau đó test lại cho đến khi thấy lượng cung đã biến mất. Bài test được coi là thành công khi giá bị đè xuống sâu dưới vùng hỗ trợ nhưng cuối phiên đóng của gần với giá cao nhất kèm theo khối lượng giao dịch thấp.
- Break Out Bar là Bar quyết định trong quá trình đẩy giá của MMs-BBs. Giá tăng rất nhanh và mạnh vượt lên khỏi vùng cung cổ phiếu lớn nhằm ngăn chặn mọi ý định bán tháo của NĐT nhỏ lẻ. Cuối phiên đóng cửa gần mức giá cao nhất cùng với sự tăng mạnh về KLGD.
- No Demand là Bar mà BBs-MMs dùng để test cầu, là một Bar tăng giá nhưng đóng cửa ở nửa dưới đồng thời khối lượng khớp lệnh thấp. Đây là dấu hiệu xấu của thị trường.
- Shake Out Bar xuất hiện trong quá trình đẩy giá, là một Bar có giá mở cửa tăng mạnh, nhưng sau đó giảm mạnh (độ biến động giá lớn) và đóng cửa ở gần mức thấp nhất cùng với sự tăng mạnh về KLGD. Mục đích của MMs-BBs muốn rũ bỏ đi các con gà yếu tim trước khi đẩy giá lên tiếp.
- Upthrust Bar là dạng Bar khi mở cửa thường tăng mạnh, nhưng sau đó giảm mạnh và giá đóng cửa ở gần mức giá thấp nhất (biến động giá rất lớn) cùng với sự tăng mạnh về KLGD. Đây là tín hiệu tương đối tin cậy trong việc xác định đảo chiều giảm giá của cổ phiếu.
- Stopping Volume là Bar giảm giá trong một Down Trend, đóng cửa ở gần với giá cao nhất kèm với khối lượng giao dịch lớn. Thể hiện MMs-BBs đang hấp thụ lượng cung giá rẻ, là dấu hiệu cho thấy đáy đang rất gần.

Tựu chung lại với những kiến thức ở trên thì tôi tổng kết lại bằng tấm hình như sau:

Chiến lược giao dịch với Price Action


Ưu điểm của VSA thì chắc các bạn cũng biết là nó không quá phức tạp khi tiếp cận, không phải học thuộc quá nhiều công thức chỉ báo, nó cho bạn đoán được một phần ý đồ của BBs-MMs, giúp bạn chọn thời điểm ra vào thích hợp, …. Vân vân và vân vân. Lý thuyết thì luôn tươi đẹp mà. Nhưng đi đôi với nó cũng là những nhược điểm mang tính cơ hữu của phương pháp này: Không khác gì anh nến nhật là mấy khi bạn cũng rất dễ loạn chưởng trong một mớ tín hiệu, không áp dụng được với những cố phiếu có thanh khoản thấp, dễ bị sai lệch với những giao dịch chuyển giao, …… Không kể đến những rủi ro mang tính hệ thống như giới hạn trần sàn, T+, sự yếu kém của cơ chế, ……Như vậy với một tay mới vào nghề thì khi áp dụng mớ lý thuyết này tại Việt Nam thì tỷ lệ thắng của bạn chắc chỉ ngang việc tung đồng xu sấp ngửa, nhưng tôi khuyên bạn hãy nguyên cứu về nó bởi tư duy của nó rất hay và đúng đắn, khi bạn hiểu được bản chất của những tư duy này thì tôi tin bạn sẽ có một bước đi vượt bậc trong kỹ năng phân tích, nhớ tôi nói là bạn phải nắm được tư duy nhé, chứ không phải lý thuyết. Tư duy ở đây là sự kết hợp giữa thấu hiểu lý thuyết, chiêm nghiệm vấn đề từ đó chắt lọc thành những quan điểm đúng đắn trong bộ lão.

“Hiện tại bạn đứng ở đâu không quan trọng, miễn là tư duy của bạn đúng thì vấn đề cho sự thành công của bạn chỉ là thời gian”

Chúc cả nhà đầu tư thắng lợi!

Theo changchanngua - vfpress.vn

1 nhận xét:

  1. Ad có thể giới thiệu cho mình vài tên sách noi về VSA mà được dịch sang tiếng việt rồi ko. Mình đang tìm hiểu chủ đề này. Thanks ad.

    Trả lờiXóa